Chức năng
Chuyên mục
BẢNG ĐIỂM
VIDEO CLIP
<Tháng Tư 2024>
T2T3NămSáuBảyCN
25262728293031
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
293012345
LIÊN KẾT WEBSITE
v
 
Lượt truy cập:
1596089
 
Đang trực tuyến:
249
Tài Liệu Download
ĐỂ GIÁO VIÊN TỔ NGỮ VAN THAM KHẢO
(Bài thơ hay đôi điều cảm nhận-Sưu tầm)
 
CÁI RÉT ĐẦU MÙA…
( Chế Lan Viên)
 
                                      Cái rét đầu mùa anh rét xa em
                                      Đêm dài lạnh chăn chia làm hai nửa
                                      Một đắp cho em ở vùng sóng bể
                                      Một đắp cho mình ở phía không em.
(Rút từ Đối thoại mới, Nxb Văn học, H.1973)
 
          1. Từ lúc ra đời đến nay, bài thơ Rét đầu mùa nhớ người đi phía bể đã đồng hành với bao người đàn ông trong xa cách nhung nhớ, đã thành thông điệp yêu thương của muôn vạn con tim trăn trở đêm ngày… Đây là một trong những bài tứ tuyệt tiêu biểu nhất cho con người thi sĩ Chế Lan Viên.
          Con người thi sĩ ấy thế nào? Có lần Chế Lan Viên tự hoạ: Anh là tháp Bay-on bốn mặt. Đó là ngon tháp kì vĩ và không kém phần bí ẩn! Ta cũng có thể mượn cách nói của Ernest Hemingway để nói rằng: Chế Lan Viên giống như một tảng băng khổng lồ trong dòng thơ Việt Nam hiện đại vậy.
Chất trí tuệ, tài hoa, sự sắc sảo thông minh - những điều người ta thường thấy và gọi tên lên - mới chỉ là … một phần nổi. Bảy phần chìm cho phần nổi ấy toả sáng, ấy là tấm chân tình ngọt lịm. Phải thấy điều đó, bởi dù là trí tuệ bậc nào đi nữa, thơ vẫn là thể loại trữ tình. Nhà thi sĩ của chúng ta  tinh lắm mà cũng tình lắm, trí tuệ lắm mà cũng tâm hồn lắm, tràn đầy ánh sáng nhưng cũng thấm đẫm phù sa! Sự quyện hoà xuyên thấm của những đặc tính ấy đã thăng hoa thành nhiều thi phẩm đặc sắc. Sự sinh sôi nảy nở của một bài thơ như Rét đầu mùa nhớ người đi phía bể trong tâm hồn các thế hệ độc giả chẳng phải là một điều vu vơ. Bài thơ đã chinh phục chúng ta bằng chính những phẩm chất thi nhân mà Phan Ngọc Hoan sở hữu!
      2. Biểu hiện chuyển mùa dễ dàng nhận thấy nhất trong một năm đó là cái rét đầu mùa. Chẳng ai có thể vô cảm với thời khắc này cả. Thậm chí người ta còn cảm thấy rét khi đất trời vừa chớm lạnh. Và để giữ ấm trong lúc này, người ta thường lật giở tấm chăn… Để ấm áp hơn, người ta cần người thân ôm ấp, che chở!... Trong cảnh huống giá băng tràn mọi nẻo (Xuân Diệu), người chưa có đôi thấy thiếu thốn cô đơn mà khát khao mong ước, người đã có đôi đang xa cách thì da diết nhớ thương nhau. Chế Lan Viên đã thể hiện rất tinh tế và tài hoa nỗi nhớ của người có đôi. Bài thơ là lời của người ở lại trong cái rét đầu mùa.
     Cũng là tức cảnh sinh tình nhưng cảnh ở đây ngay lập tức đã chuyển hoá thành tình và được bộc lộ trực tiếp thành… thơ:
 
Cái rét đầu mùa anh rét xa em
Đêm dài lạnh chăn chia làm hai nửa
Một đắp cho em ở vùng sóng bể
Một đắp cho mình ở phía không em.
     Câu đầu mở ra trạng huống của chủ thể trữ tình: cái rét chợt về trong khi người thân yêu gần gũi nhất lại đi xa. Nhưng không chỉ có thế, với chữ rét được nhấn mạnh một cách có chủ ý, câu thơ còn thể hiện sự chuyển hoá tinh vi từ cảm giác da thịt thành cảm giác tâm hồn. Cứ tưởng câu thơ chỉ thông báo một sự việc không ngờ lại cho thấy hai thông tin: cái rét đầu mùa của thời tiết làm anh rét và vì em đi xa khiến anh cô đơn mà anh rét xa em! Chữ rét thứ hai là cảm giác tâm hồn. Chủ thể trữ tình đang thấu cảm sự thiếu vắng, nhớ nhung.  Chiều sâu của nỗi nhớ ấy được thể hiện rõ trong câu thơ thứ hai:
Đêm dài lạnh chăn chia làm hai nửa
     Anh rét xa em nhưng đêm dài lạnh vẫn chia chăn làm hai nửa! Đó không đơn thuần là nhớ nhung nữa mà là mong ngóng hướng về, là sự lo lắng quan tâm!
     Theo mạch cảm xúc ấy, câu chuyển – thứ ba tiếp tục bộ lộ tâm trạng hướng về người đi xa, đồng thời chuẩn bị cho sự đột khởi tứ thơ:
Một đắp cho em ở vùng sóng bể
     Hoàn toàn hợp logic, bởi ở trên chủ thể đã chia chăn làm hai nửa. Vậy là cái chăn ấm hạnh phúc kia anh đâu chỉ dành lấy cho mình. Nằm một mình mà vẫn chia chăn đắp cho em ở vùng sóng bể thì đúng là một tình nhân lý tưởng - người ở luôn hướng đến người đi, người đi luôn hiện hữu trong tâm hồn người ở. Chẳng ai có thể trách móc gì một tấm lòng như thế!
      Đến câu kết, cụm từ một đắp cho được lặp lại. Người đọc dễ nghĩ đến một sự phân chia cân bằng ( một đắp cho em - một đắp cho mình) và đễ cho rằng Một đắp cho em ở vùng sóng bể là thơ rồi(!)… Nhưng, nếu thế thì chỉ là thơ xoàng! Chế Lan Viên đem đến cho người đọc một cái kết bất ngờ và độc đáo đúng nghĩa câu hợp trong một bài tứ tuyệt đích thực – khép lại một bài thơ đồng thời mở ra một bầu trời đầy ý vị:
Một đắp cho mình ở phía không em.
      Phía không em của anh đã trùng khít, đồng nhất với vùng sóng bể nơi em đến. Vậy có nghĩa đắp cho mình mà kỳ thực là chỉ đắp cho em, đắp cho em là đã đắp cho mình rồi. Đến đây, không những không thể trách tình nhân này được gì mà tất cả chúng ta đều chỉ có thể cúi đầu thán phục trước một lòng yêu thương chỉ biết dâng hiến, hi sinh!
      Cái trục quyết định thành công của bài thơ là một phép chia tài tình. Nó kết tinh được nét tài hoa, sắc sảo và tâm hồn đa cảm của người làm vườn vĩnh cửu. Hết bài thơ, cái chăn vẫn nằm không trên giường chẳng ai đắp cả mà sao nghe ấm áp lại lùng! Ai là người được ủ ấm đây? Là tình yêu chứ còn ai nữa! Bài thơ kết lại bằng một tâm thế hướng về trọn vẹn, một nỗi nhớ hết lòng, để lại dư âm ngọt ngào về lòng thuỷ chung, sự chăm sóc sẻ chia trong tình yêu và hạnh phúc gia đình…
      3. Bốn dòng thơ làm nên một số phận nghệ thuật đủ sức đi qua sự sàng lọc của thời gian mà vẫn tươi nguyên sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại (Thi nhân Việt Nam ) quả là điều không đơn giản!
      Mùa đang chuyển… Gió… Và mưa… Không ngủ được, vì nhớ. Lúc thế này càng cảm thấu và tri ân hồn thơ Chế Lan Viên!...
                                                               
                                  (Viết lời bình: Nguyễn Thanh Truyền - GV THCS Bùi La Nhân)
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 


 
LỜI THỈNH CẦU Ở NGHĨA TRANG ĐỒNG LỘC
                                                          (Đồng Lộc, 5 – 7 – 1995- Vương Trọng)
 
          Hàng năm, cứ vào dịp lễ tết, hàng vạn lượt người đã về thăm Ngã ba Đồng Lộc – khu di tích lịch sử ghi dấu những chiến công của lực lượng Thanh niên xung phong thời chống Mỹ; nơi yên nghỉ của 10 Cô gái thanh niên xung phong huyền thoại. Nhân ngày giỗ thứ 42 của các cô , xin được giới thiệu với bạn đọc bài thơ Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc của nhà thơ Vương Trọng với lời bình của thầy giáo Nguyễn Thanh Truyền.
 
                   Mười bát nhang, hương cắm thế đủ rồi
                   Còn hương nữa hãy dành phần cho đất
                   Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi
                   Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc
                   Lòng tướng nhớ xin chia đều khắp
                   Như cỏ trong thung, như nắng trên đồi.


          Hoa cỏ may khâu nặng ống quần, kìa!
          Ơi các em tuổi quàng khăn đỏ
          Bên bia mộ xếp hàng nghiêm trang quá
          Thương các chị lắm phải không? Thì hãy quay về
          Tìm cây non trồng lên đồi Trọ Voi và bao vùng đất trống
          Các chị nằm còn khát bóng cây che.


                   Hai mươi bảy năm qua chúng tôi không thêm một tuổi nào
                   Ba lần chuyển chỗ nằm, lại trở về Đồng Lộc
                   Thương chúng tôi, các bạn ơi, đừng khóc
                   Về bón chăm cho lúa được mùa hơn
                   Bữa ăn cuối cùng mười chị em không có gạo
                   Nắm mì luộc chia nhau rồi vác cuốc ra đường.


          Cần gì ư? Lời ai hỏi trong chiều
          Tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu
          Ngày bom vùi tóc tai bết đất
          Nằm xuống mộ rồi, mái đầu chưa gội được
          Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang
          Cho mọc dậy vài cây bồ kết
          Hương chia đều trong hư ảo khói nhang.
                                                         
Lời bình:
 
       Sự hi sinh của mười cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc mùa hè năm 1968 là hình ảnh bi tráng của thế hệ trẻ Việt Nam thời đánh Mỹ. Đã có không ít thơ ca tưởng nhớ mười nữ anh hùng. Nếu chọn vài bài thơ hay, sâu sắc và xúc động lòng người nhất về đề tài này thì chắc chắn chúng ta không thể quên Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc của nhà thơ quân đội Vương Trọng.
      Ngay từ tên gọi, bài thơ đã đưa người đọc vào một không khí rất trang nghiêm, thành kính. Không khai thác tính chất bi tráng của hình tượng, tứ thơ của Vương Trọng dẫn dắt người đọc tìm về những nẻo khuất tâm hồn mình một cách đầy bất ngờ. Trong nhan đề bài thơ đã có sự định vị, đã thông báo không gian nhưng đây không phải là lời thỉnh cầu của tác giả hay của ai đó khi đến viếng thăm Ngã ba Đồng Lộc. Chủ thể của những lời thỉnh cầu kia là các liệt sĩ anh hùng. Nhân vật trữ tình trong bài thơ là kiểu nhân vật trữ tình hoá thân. Đó là điều tạo nên nét mới mẻ và độc đáo của tứ thơ.
      Nhìn vào hình thức kết cấu, ta nhận thấy bài thơ được chia thành bốn phần tương ứng với bốn điều thỉnh cầu của các cô. Đến với bài thơ này, hãy giữ tâm thế như khi trở về với địa chỉ đỏ năm xưa, cứ theo trình tự của những lời thỉnh cầu ấy, để lòng trí ta lắng nghe và cảm nhận.
      Vì sao ta lại về với Đồng Lộc - mảnh đất miền núi xa xôi, cằn cỗi, nghèo nàn? Ta trở về bởi lòng ta đã nhiều lần rưng rưng vì sự hi sinh đồng thời của mười cô gái. Ta trở về bởi đã biết bao lần muốn nói lời cảm phục, tiếc thương. Ta trở về bởi lòng tự hào được đặt chân lên con đường huyết mạch, đến dâng nén tâm hương trước mười di ảnh anh hùng. Bao người về đây đều thành tâm khấn nguyện. Nhưng tôi tin không ít người trong chúng ta chợt giật mình nhận ra bản thân thật vô tình khi nghe lời thỉnh cầu đầu tiên:
                   Mười bát nhang, hương cắm thế đủ rồi
                   Còn hương nữa hãy dành phần cho đất
                   Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi
                   Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc
                   Lòng tướng nhớ xin chia đều khắp
                   Như cỏ trong thung, như nắng trên đồi.
     Chúng ta hướng về các cô, dâng hương cắm đầy các bát nhang mà đôi khi quên dành phần cho đất. Đã có hàng trăm con người hi sinh để giữ cho mạch máu Đồng Lộc này thông suốt, thân xác họ đã vĩnh viễn hoà tan vào trong đất mẹ. Các cô không muốn vì mình mà các chiến sĩ, các đồng đội thanh niên xung phong bị lãng quên. Vì thế các cô mới xin các đoàn khách đến thăm hãy chia lòng tưởng nhớ cho đều khắp. Lời các cô nghẹn ngào: Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi / Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc. Đó là mong muốn một lẽ công bằng tự nhiên; sự khiêm tốn, chân thành át đi giọng bi thiết. Mặt đất cỏ lan, vùng trời toả nắng ở đây là hình ảnh biểu tượng của thanh bình. Các cô đã chung hưởng đất trời với đồng chí, đồng đội nên các cô mong được hưởng chung lòng tưởng nhớ. Đó là lời thỉnh cầu của các cô và cũng là sự lên tiếng của lịch sử.
      Đoạn thơ tiếp theo hướng đến đối tượng cụ thể:
                   Hoa cỏ may khâu nặng ống quần, kìa!
                   Ơi các em tuổi quàng khăn đỏ
                   Bên bia mộ xếp hàng nghiêm trang quá
                   Thương các chị lắm phải không? Thì hãy quay về
                   Tìm cây non trồng lên đồi Trọ Voi và bao vùng đất trống
                   Các chị nằm còn khát bóng cây che.
      Về Đồng Lộc, có rất nhiều đoàn khách thiếu nhi, các em đến đây còn bị hoa cỏ may khâu nặng ống quần. Đồi Trọ Voi còn nhiều cỏ may nghĩa là đất đai còn hoang sơ, môi trường còn thiếu sức sống. Cỏ may là một loài cỏ dại. Một đất nước hoà bình, có điều kiện dựng xây, cần phải cải thiện môi trường sống. Như những ngườì chị trong nhà, rất thân tình, các chị đã bày tỏ một mong muốn cao cả, nhắn nhủ các em tìm cây non trồng lên đồi Trọ Voi và bao vùng đất trống. Không quá sức đối với các em, đó là việc các em hoàn toàn có thể làm được - tuổi nhỏ làm việc nhỏ mà! Thỉnh cầu đó sẽ được các em hăng hái thực hiện vì các chị nằm còn khát bóng cây che.
      Với thanh niên, các chị thỉnh cầu:
                   Hai mươi bảy năm qua chúng tôi không thêm một tuổi nào
                   Ba lần chuyển chỗ nằm, lại trở về Đồng Lộc
                   Thương chúng tôi, các bạn ơi, đừng khóc
                   Về bón chăm cho lúa được mùa hơn
                   Bữa ăn cuối cùng mười chị em không có gạo
                   Nắm mì luộc chia nhau rồi vác cuốc ra đường.
      Câu đầu của khổ thơ này nói lên một nghịch lý đau thương ai cũng có thể hiểu và thông cảm. Nhưng các cô không nói để sẻ chia mà nói để thỉnh cầu, nhắn nhủ. Lời nhắn nhủ thật cảm động:Thương chúng tôi, các bạn ơi, đừng khóc/ Về bón chăm cho lúa được mùa hơn. Thời đại của các cô là thời cả dân tộc nêu cao khẩu hiệu biến đau thương thành hành động. Dân tộc đói nghèo, kháng chiến gian khổ, ác liệt nên các cô quyết tâm sống, chiến đấu vì ấm no và hạnh phúc cho dân tộc mình. Để lời nhắn nhủ tìm vào sâu thẳm những trái tim, các cô nhắc đến một chi tiết chân thực đến đau xót về bữa ăn cuối cùng không có gạo. Các bạn thanh niên đã hăng hái lao động sản xuất cho đất nước ta thu được những mùa vàng, hãy nghĩ đến sự khốc liệt của đói khổ trong quá khứ, để quyết tâm xây dựng tương lai đất nước phồn vinh.
      Ba khổ thơ trên là những lời thỉnh cầu cho đồng đội, cho môi sinh, cho đất  nước. Vậy các cô cần gì cho bản thân mình? Các cô vĩnh viễn nằm lại đất sâu ở lứa tuổi đẹp nhất đời người, khi tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu. Sự hi sinh của những người con gái trong cái ngày đau thương ấy được đặc tả bằng một hình ảnh chân thực đầy ám gợi: Ngày bom vùi tóc tai bết đất / Nằm xuống mộ rồi, mái đầu chưa gội được.  Thiệt thòi và đau thương là thế nhưng mong muốn của các cô thật quá khiêm nhường: Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang / Cho mọc dậy vài cây bồ kết. Một loài cây hết sức quê kiểng, gợi một thứ hương thơm thanh khiết rất đỗi quen thuộc với những người con gái sông La yêu nước, yêu đời. Trong nghi ngút trầm hương của những tấm lòng về đây tưởng nhớ, các cô thỉnh cầu một chút hương quê chia đều trong hư ảo - một thỉnh cầu không hề gợn chút gì vị kỉ; một thỉnh cầu rất nữ tính, thanh xuân.
      Bài thơ nhắc nhủ mọi người khi tưởng nhớ quá khứ hãy biết sống vì hiện tại và tương lai cho có ý nghĩa. Người đã hi sinh sẽ thanh thản, siêu thoát khi những người còn lại và lớp kế tục không ngừng xây dựng, phát huy những gì dân tộc đã giành được.
      Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc được viết bởi một nhà thơ mặc áo lính. Chất lính, lí tưởng dân tộc và thời đại thấm sâu vào trong máu thịt nhà thơ. Nên ở đây, khi hoá thân vào nhân vật, Vương Trọng đã tự tin thể hiện sự sáng tạo độc đáo và ông đã thành công. Trong bài, tác giả không đóng vai trò chủ thể trữ tình mà gián tiếp bộc lộ tư tưởng, tình cảm. Chính hình thức lời thỉnh cầu gợi nên không khí thiêng liêng, thành kính, chuyển tải được những thông điệp giản dị nhưng gần gũi, chân thành, cảm động và sâu sắc. Sức sống của thi phẩm được biểu hiện cụ thể khi rất nhiều khách thăm viếng Đồng Lộc đã lắng nghe, ghi chép và thuộc nằm lòng. Thơ có số phận như thế quả không nhiều!
 
                    (Viết lời bình : Nguyễn Thanh Truyền-GV THCS Bùi La Nhân)


THÔNG BÁO
Liên kết web

Trường THCS Lương Thế Vinh


Địa chỉ : Số 57- Đường Lương Thế Vinh, Thôn Quỳnh Tân 2, Thị trấn Buôn Trấp, Huyện Krông Ana, Tỉnh Đắk Lắk

    Điện thoại: 0262.3.637.337

Email :  luongthevinh.krongana@gmail.com, thcsluongthevinhkna.edu.vn

Hội đồng Quản trị: Cô Lê Thị Bảo Thi - Hiệu trưởng - Làm Chủ tịch

Các thành viên : Thầy Võ Đăng Kha