Tại Hội nghị thi, tuyển sinh 2013 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã ra một quy định (dự kiến) cho phép thí sinh mang vào phòng thi thiết bị ghi âm, thu hình chỉ có chức năng ghi thông tin, không truyền được thông tin ra ngoài phòng thi, chỉ xem/nghe được khi có phương tiện hỗ trợ. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, đó hoàn toàn không phải là sáng kiến của Bộ GD&ĐT mà xuất phát từ vấn đề thực tiễn phát sinh. Cụ thể là vụ Đồi Ngô. PV Giaoduc.net.vn đã có cuộc trò chuyện với Người đương thời Đỗ Việt Khoa, người mà tên tuổi đã gắn liền với việc tố cáo tiêu cực thi cử tại tỉnh Hà Tây (cũ), Đồi Ngô (Bắc Giang).
- Qua quy định (dự kiến) của Bộ GD&ĐT, thầy có nghĩ đó là công lớn của mình và các cộng sự đã phanh phui vụ Đồi Ngô? Thầy có nghĩ rằng đó là hành động quyết liệt của Bộ GD&ĐT, và tình hình chống tiêu cực từ giờ sẽ chuyển biến lớn?
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Đúng. Tôi có theo dõi việc này. Và thấy có 2 luồng ý kiến quanh dự thảo đó của Bộ GD&ĐT, 1 là ủng hộ và 1 phản đối.
Rất có thể căn nguyên từ vụ Đồi Ngô và những thực tiễn khác phát sinh nên Bộ GD&ĐT có dự thảo như vậy. Dù sao Bộ cũng thấy được thực trạng thi tốt nghiệp THPT và mong muốn tìm cách làm cho nó nghiêm. Đó là điều đáng mừng. Còn sau này tình hình chống tiêu cực thi cử có chuyển biến hay không thì phải có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cấp chính quyền, chứ một mình Bộ GD&ĐT không làm nổi.
- Cũng có ý kiến cho rằng, cách làm này còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến tâm lý học sinh, gây mất thời gian, tốn kém trong quá trình thi cử. Theo thầy, những bất cập đó có đáng lo ngại?
|
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Nếu mọi giáo viên và học sinh làm ngơ với tiêu cực thi thì cuộc sống này hết ý nghĩa rồi.
|
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Nhiệm vụ của học sinh khi đi thi là thi cho tốt chứ không phải là chống tiêu cực. Chống cướp là nhiệm vụ của ngành công an, nhưng nếu mọi người đều làm ngơ cho kẻ cướp thì cướp sẽ mặc sức hoành hành. Vì thế, nếu mọi giáo viên và học sinh làm ngơ với tiêu cực thi thì cuộc sống này hết ý nghĩa rồi.
Không khuyến khích các em phải làm thay việc của người lớn là chống tiêu cực thi cử, nhưng quy chế mới hãy mở để nếu em nào tham gia thì được bảo vệ, tránh gặp phải cảnh như học sinh Đồi Ngô vừa rồi.
Ngoài ra, còn nhiều giám thị là những nhà giáo có tâm, muốn chống tiêu cực thi cử. Vậy hãy cho họ quyền được mang thiết bị vào hội đồng thi để thu thập chứng cứ. Họ là người lớn, có bản lĩnh, chịu được áp lực hơn là học sinh. Trong thời gian qua, chúng ta thấy các lực lượng chức năng giám sát thi cử hầu hết đều bị vô hiệu hóa. Nếu không phải số ít giáo viên và học sinh tham gia giám sát, thu thập chứng cứ sai phạm thì ai sẽ làm?
Chỉ những người làm sai là sợ bị ghi âm ghi hình. Chúng ta không làm sai, thì việc gì phải e ngại? Ai sợ quy chế này, hẳn người đó có vấn đề.
- Ngoài việc Bộ cho phép mang máy ghi âm, máy quay vào phòng thi, thầy còn có sáng kiến nào cho việc chống gian lận trong thi cử?Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Thực ra, không thể hy vọng chống tiêu cực thi chỉ bằng việc trông cậy thí sinh. Nhiệm vụ chính vẫn phải là ở người coi thi, lãnh đạo các cấp.
Cần có quy chế xử nghiêm như truy tố, cách chức buộc thôi việc với những cá nhân vi phạm thi cử. Địa phương nào có tiêu cực thi, nên cách chức giám đốc sở giáo dục nơi đó… thì mới có tác dụng răn đe. Rồi phải chú ý lực lượng giám sát thi. Bộ nên tái lập thanh tra giám sát thi như năm 2007. Những thầy cô nào kiên quyết, hãy đưa vào lực lượng giám sát thi. Chứ như tôi, đã 5 năm nay họ vô hiệu hóa bằng cách không cho đi coi thi thì giám sát sao được?
- Nếu quy định này áp dụng, có thể kỳ thi năm nay sẽ có thêm nhiều "Đỗ Việt Khoa" mới, khi học sinh được quyền tố giác tiêu cực. Thầy có sợ mình "thất nghiệp" (chống tiêu cực), sợ "mất thương hiệu" mình là người chống tiêu cực giáo dục số 1 Việt Nam?Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là số 1, sợ mất thương hiệu cả. Trái lại, tôi luôn mong muốn có nhiều thầy cô và học sinh tham gia chống tiêu cực, và nếu thế thì đó là điều đáng mừng cho ngành, cho đất nước.
- Thầy mong muốn sẽ có nhiều người giống như mình?
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Lúc này, thực tâm tôi không muốn ai đó bắt chước tôi để rồi chịu khổ vì trong thời gian qua, ai đấu tranh cũng bị trả thù, bị khủng bố trù dập mà ngành giáo dục thì chưa có cách bảo vệ họ. Có thể, họ sẽ chống tiêu cực theo nhiều cách khác
- Theo thầy, nguyên nhân GỐC của việc gian lận thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp là gì? Giải pháp nêu trên của Bộ GD&ĐT đã giải quyết được vấn đề GỐC đó chưa?Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Nguyên nhân chính của tiêu cực trong thi cử là do lãnh đạo ngành giáo dục các tỉnh thành. Họ thích báo cáo thành tích. Đó cũng là một thứ bệnh giả dối chung của xã hội, không riêng gì ngành giáo dục. Giả dối vì cái lợi. Đồng tiền đứng sau nó cả. Thêm nữa, sai phạm không bị xử lý khiến cái xấu nó đắc thắng đã làm bùng nổ thêm tệ nạn.
- Thầy có cho rằng nền giáo dục hiện nay đang bế tắc trong việc dạy học sinh về đạo đức, lòng tự trọng, không gian dối? Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Về cơ bản, đa số nhà giáo đứng lớp vẫn dạy học sinh điều đó. Nhưng chỉ cần một số nhà trường, môt số giáo viên làm việc xấu đủ để làm giới trẻ mất niềm tin. Ngoài ra, tệ nạn xã hội ngày càng nhan nhản khiến cho đạo đức học trò bị ảnh hưởng.
- Theo thầy, nếu muốn dạy học sinh không gian lận thì cần phải làm gì ở cấp quản lý giáo dục, và ở từng người giáo viên?Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Khó đấy. Chỉ riêng ngành giáo dục thôi thì muốn cũng không được. Hành vi của học sinh bị ảnh hưởng lớn bởi môi trường ngoài nhà trường. Không thể đòi hỏi học sinh không gian lận trong khi giáo viên coi thi lại làm ngơ một số khác quay cóp.
- Trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay, thầy có dự định sẽ làm thêm những vụ phanh phui tiêu cực kiểu Đồi Ngô, ví dụ như những "Đồi Khoai", "Đồi Sắn"... nữa hay không?Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Câu trả lời xin giữ bí mật.
- Giả sử nếu thầy là Bộ trưởng Giáo dục, thầy sẽ chống tiêu cực như thế nào?Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Nếu là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, tôi sẽ kiên quyết, làm mạnh, làm đồng bộ, sẵn sàng xử nghiêm mọi sai phạm, lấy lại niềm tin của nhân dân. Cải cách triệt để ngành giáo dục, khích lệ giáo giới và bảo vệ đến cùng những cá nhân đấu tranh với tiêu cực của ngành. Đó. Bộ có làm được không?
- Trân trọng cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện này!